Luật Dịch vụ việc làm Đài Loan
Căn cứ Lệnh của Tổng thống số 2359 ngày 8/5/1982
Căn cứ Lệnh của Tổng thống số 860021190 ngày 21/5/1997 sửa đổi Điều 49
Căn cứ Lệnh của Tổng thống số 8900021190 ngày 26/01/2000 sửa đổi Điều 43 và Điều 51 Luật dịch vụ việc làm
Căn cứ Lệnh của Tổng thống số 09100010130 ngày 21/01/2002 công bố sửa đổi
Căn cứ Lệnh của Tổng thống số 09200087890 ngày 21/01/2002 công bố sửa đổi
Căn cứ Lệnh của Tổng thống số 09200092550 ngày 21/01/2002 công bố sửa đổi
----------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương I: Quy định chung
Điều 1:
Mục đích xây dựng Luật này là để thúc đẩy việc làm trong nước, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội; những đối tượng không được quy định tại Luật này sẽ được áp dụng quy định tại các Luật khác.
Điều 2:
Định nghĩa một số từ ngữ trong Luật:
1/ Dịch vụ việc làm: dịch vụ cung cấp cho người tìm việc và chủ sử dụng tìm lao động.
2/ Đơn vị dịch vụ việc làm: là đơn vị cung cấp dịch vụ việc làm; đơn vị do cơ quan chính phủ thành lập gọi là đơn vị dịch vụ việc làm nhà nước; đơn vị tư nhân hoặc đoàn thể không do Chính phủ thành lập gọi là đơn vị dịch vụ việc làm tư nhân.
3/ Chủ sử dụng: người thuê và sử dụng lao động.
4/ Người trung cao niên: chỉ người có độ tuổi từ 45-65.
Điều 3:
Công dân trong nước có quyền tự do chọn lựa nghề nghiệp, ngoại trừ những đối tượng bị luật pháp ngăn cấm hoặc bạn chế.
Điều 4:
Người có năng lực làm việc bình thường được đối xử bình đẳng trong dịch vụ việc làm.
Điều 5:
Để đảm bảo cơ hội việc làm bình đẳng, chủ sử dụng không được phép kỳ thị người tìm việc hoặc nhân viên làm thuê cho mình vì những lý do: chủng tộc, giai cấp, ngôn ngữ, tư tưởng, tôn giáo, đảng phái, quốc tịch, giới tính, hôn nhân, dung mạo, ngũ quan, tàn tật hoặc là hội viên của tổ chức công hội nào đó.
Chủ sử dụng tuyển mộ hoặc thuê nhân công không được làm những việc sau đây:
1/ Quảng cáo hoặc công bố những điều sai sự thật.
2/ Thu giữ chứng minh nhân dân, thẻ làm việc hoặc những văn bằng chứng chỉ khác của người làm thuê trái với ý muốn của họ.
3/ Thu giữ tài sản hoặc tiền đặt cọc của người tìm việc.
4/ Sai phái người tìm việc làm các công việc vi phạm trật tự công cộng hoặc vi phạm các phong tục tập quán.
5/ Khi làm các thủ tục xin thuê, tuyển mộ, tiếp nhận hay quản lý lao động nước ngoài, cung cấp tài liệu hoặc giấy chứng nhận sức khỏe không đúng sự thực.
Điều 6:
Cơ quan chủ quản được nêu trong Luật này: Cấp trung ương là Uỷ ban Lao động, Viện Hành chính; cấp thành phố trực thuộc trung ương là chính quyền thành phố trực thuộc trung ương; cấp huyện (thị xã, thành phố) là chính quyền cấp huyện (thị xã, thành phố). (dưới đây Cơ quan chủ quản trung ương gọi tắt là Uỷ ban Lao động)
Uỷ ban Lao động sẽ cùng với Uỷ ban Dân tộc thiểu số, Viện Hành chính cùng xây dựng các nội dung về dịch vụ việc làm cho người dân tộc thiểu số.
Uỷ ban Lao động quản lý và thực hiện các việc sau đây:
1/ Xây dựng chính sách, pháp luật, kế hoạch, phương án về việc làm trên phạm vi toàn quốc.
2/ Tư vấn thị trường việc làm trên toàn quốc
3/ Xây dựng tiêu chuẩn tác nghiệp dịch vụ việc làm.
4/ Giám sát chỉ đạo, điều tiết và kiểm tra về nghiệp vụ dịch vụ việc làm toàn quốc.
5/ Cấp phép và quản lý chủ sử dụng xin thuê lao động nước ngoài.
6/ Cấp phép, tạm dừng và thu hồi giấy phép của các đơn vị dịch vụ việc làm tư nhân có hoạt động dịch vụ môi giới dưới đây:
6.1/ Môi giới người nước ngoài tới Đài Loan làm việc.
6.2/ Môi giới cư dân Hồng Kông, Ma Cao và Đại Lục tới Đài Loan làm việc.
6.3/ Môi giới công dân trong nước đi làm việc ở các khu vực ngoài Đài Loan.
7/ Những vấn đề liên quan đến xúc tiến việc làm và dịch vụ việc làm quốc dân của cả nước khác.
Chính quyền cấp huyện (thị xã, thành phố) và cấp thành phố trực thuộc trung ương quản lý và thực hiện các việc sau đây:
7.1/ Xác định về hành vi kỳ thị việc làm;
7.2/ Quản lý và kiểm tra người nước ngoài làm việc tại Đài Loan.
7.3/ Cấp phép, tạm dừng hoặc thu hồi giấy phép các Đơn vị dịch vụ việc làm tư nhân môi giới lao động trong nước tìm việc trong nước.
7.4/ Quản lý các Đơn vị dịch vụ việc làm tư nhân nằm ngoài quy định tại Khoản 6 và mục 7.3 Khoản 7 của Điều này.
7.5/ Công tác phối hợp về dịch vụ việc làm quốc dân khác.
Điều 7:
Cơ quan chủ quản cần mời đại diện của người lao động, đại diện chủ sử dụng và đại diện chính phủ, các học giả, chuyên gia tham gia thành lập Uỷ ban xúc tiến chính sách dịch vụ việc làm, để bàn bạc các vấn đề về dịch vụ việc làm và xúc tiến việc làm liên quan.
Điều 8:
Để nâng cao hiệu quả công việc và kiến thức chuyên môn của nhân viên dịch vụ việc làm, Cơ quan chủ quản cần tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ định kỳ.
Điều 9:
Đơn vị dịch vụ việc làm và các nhân viên của đơn vị đó không được công khai tư liệu về chủ sử dụng và người tìm việc, trừ trường hợp cần thiết cho công tác giới thiệu việc làm.
Điều 10:
Đơn vị dịch vụ việc làm không được giới thiệu người tìm việc tới làm việc ở những nơi đang xảy ra đình công theo Luật định, hoặc đang trong thời gian hoà giải tranh chấp chủ thợ do việc chấm dứt hợp đồng lao động liên quan đến quyền lợi của số đông người lao động.
Số đông lao động nêu trên là chỉ đơn vị đang có tranh chấp chủ thợ với số lượng từ 10 người trở lên, hoặc chưa tới 10 người nhưng chiếm 1/3 trở lên số nhân viên đang làm việc tại nơi có tranh chấp.
Điều 11:
Cơ quan chủ quản cần khen thưởng và biểu dương các đơn vị có nhiều đóng góp trong việc thúc đẩy việc làm quốc dân.
Điều kiện, nội dung, phương thức và các quy định cần tuân thủ khác về khen thưởng và biểu dương nêu trên sẽ do Uỷ ban Lao động quy định.
Chương II: Dịch vụ việc làm nhà nước
Điều 12:
Cơ quan chủ quản căn cứ nhu cầu thực tế để thành lập các đơn vị dịch vụ việc làm nhà nước ở các địa phương.
Các thành phố trực thuộc trung ương, các huyện (thị xã, thành phố) có số người dân tộc thiểu số trên 20.000 người phải thành lập Đơn vị dịch vụ việc làm nhà nước để đáp ứng nhu cầu của người dân tộc thiểu số với nền văn hoá đặc thù dân tộc thiểu số.
Tiêu chuẩn thành lập Đơn vị dịch vụ việc làm nhà nước nêu trên do Uỷ ban lao động quy định.
Điều 13:
Đơn vị dịch vụ việc làm nhà nước thực hiện nghiệp vụ dịch vụ việc làm theo nguyên tắc miễn phí. Chi phí phát sinh do nhận uỷ thác của chủ sử dụng tuyển mộ và kiểm tra người lao động sẽ thu từ chủ sử dụng.
Điều 14:
Đơn vị dịch vụ việc làm nhà nước không được từ chối yêu cầu tìm việc, đăng ký tìm người của người lao động và chủ sử dụng. Những người vi phạm pháp luật hoặc từ chối cung cấp tài liệu cần thiết cho việc giới thiệu việc làm không thuộc phạm vi quy định này.
Điều 15:
Người được Đơn vị dịch vụ việc làm nhà nước giới thiệu việc thuộc đối tượng đang được hỗ trợ cuộc sống sẽ được hỗ trợ chi phí đi lại cần thiết trong quá trình tìm việc.
Điều 16:
Đơn vị dịch vụ việc làm nhà nước cần thu thập, chỉnh lý, phân tích các tài liệu liên quan đến biến động về lương, nhu cầu nhân lực và triển vọng tương lai trong địa bàn nghiệp vụ của mình, để cung cấp cho việc tư vấn thị trường việc làm.
Điều 17:
Đơn vị dịch vụ việc làm nhà nước cần cung cấp tư vấn việc làm để hỗ trợ người dân lựa chọn ngành nghề hoặc thích nghi với công việc.
Điều 18:
Đơn vị dịch vụ việc làm nhà nước cần liên hệ chặt chẽ với các trường trong địa bàn nghiệp vụ của mình, hỗ trợ nhà trường trong công tác phụ đạo nghề nghiệp cho học sinh, kết hợp với nhà trường hỗ trợ giới thiệu việc làm hoặc tham gia đào tạo và bồi dưỡng nghề nghiệp sau khi tìm được việc làm cho học sinh đã tốt nghiệp.
Điều 19:
Đơn vị dịch vụ việc làm nhà nước cần giới thiệu những người thiểu năng đang muốn tìm việc tham gia các lớp đào tạo nghề nghiệp; hỗ trợ giới thiệu việc làm cho những người đã tốt nghiệp các khoá đào tạo nghề nghiệp.
Điều 20:
Đơn vị dịch vụ việc làm nhà nước cần giới thiệu việc làm hoặc giới thiệu tham gia các khoá đào tạo nghề cho những người đang xin hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp.
Chương III: Xúc tiến việc làm
Điều 21:
Chính phủ cần căn cứ tư liệu điều tra liên quan đến tình trạng việc làm và tình trạng thất nghiệp để đề ra các biện pháp điều tiết cung cầu nhân lực, thúc đẩy sự vận hành có hiệu quả nguồn nhân lực và xúc tiến việc làm trong nước.
Điều 22:
Uỷ ban Lao động cần xây dựng mạng lưới tư vấn việc làm toàn quốc để thúc đẩy sự cân bằng cung cầu nhân lực giữa các khu vực và phối hợp thực hiện cơ chế chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho lao động.
Điều 23:
Khi nền kinh tế gặp khó khăn dẫn đến tình trạng thất nghiệp lớn, Uỷ ban Lao động cần khuyến khích chủ sử dụng thương lượng với các tổ chức công đoàn hoặc người lao động áp dụng các biện pháp rút ngắn thời gian làm việc, điều chỉnh tiền lương, giáo dục đào tạo, để tránh phải cắt giảm nhân công; và phải căn cứ tình hình thực tế, tăng cường đào tạo nghề hoặc sử dụng các biện pháp tạo việc làm dưới hình thức hợp đồng, vay ưu đãi để tạo nghiệp; trong trường hợp cần thiết, cần cấp tiền trợ cấp hoặc phụ cấp để hỗ trợ tìm việc.
Điều kiện, nội dung, phương thức, kỳ hạn, nguồn kinh phí và các quy định cần tuân thủ khác để xin vay ưu đãi, tiền trợ cấp và phụ cấp nêu trên do Uỷ ban Lao động quy định.
Điều 24:
Cơ quan chủ quản cần có kế hoạch, tăng cường xúc tiến việc làm cho các đối tượng tìm việc làm tự nguyện dưới đây, khi cần thiết, cần cấp tiền trợ cấp, phụ cấp cho đối tượng này:
1/ Phụ nữ giữ vai trò trụ cột kinh tế gia đình
2/ Người trung, cao tuổi.
3/ Người tàn tật
4/ Người dân tộc thiểu số
5/ Người có khả năng lao động trong gia đình đang nhận trợ giúp cuộc sống.
6/ Những đối tượng được cơ quan chủ quản xác nhận cần trợ giúp khác.
Kế hoạch nêu trên cần được kiểm điểm định kỳ và thực hiện một cách hiệu quả.
Điều kiện, mức tiền, kỳ hạn, nguồn kinh phí và các quy định liên quan khác để xin trợ cấp lương hoặc phụ cấp nêu trên do cơ quan chủ quản quy định.
Điều 25:
Đơn vị dịch vụ việc làm nhà nước chủ động tranh thủ các cơ hội việc làm phù hợp với người tàn tật và người trung, cao tuổi và thông báo công khai theo định kỳ.
Điều 26:
Cơ quan chủ quản căn cứ tình hình thực tế tổ chức các khoá đào tạo nghề cho những người do mang thai, sinh đẻ và nuôi con nhỏ phải nghỉ việc, để tái tạo việc làm cho họ.
Điều 27:
Cơ quan chủ quản căn cứ tình hình thực tế để tổ chức chương trình đào tạo phù hợp, nhằm giúp người tàn tật và người dân tộc thiểu số thích nghi môi trường làm việc.
Điều 28:
Đơn vị dịch vụ việc làm nhà nước sau khi giới thiệu việc làm cho người tàn tật và người dân tộc thiểu số cần thực hiện các bước hậu phục vụ để hỗ trợ người lao động thích ứng với công việc.
Điều 29:
Chính quyền cấp huyện (thị xã, thành phố) và thành phố trực thuộc trung ương lập danh sách những người có khả năng lao động trong các gia đình đang nhận trợ giúp cuộc sống trên địa bàn của mình gửi đến Đơn vị dịch vụ việc làm nhà nước của địa phương đó, để giới thiệu việc làm hoặc giới thiệu đào tạo nghề nghiệp cho những đối tượng đó.
Điều 30:
Đơn vị dịch vụ việc làm nhà nước duy trì liên hệ chặt chẽ với cơ quan quân sự địa phương, hỗ trợ giới thiệu việc làm hoặc đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ.
Điều 31:
Đơn vị dịch vụ việc làm nhà nước duy trì liên hệ chặt chẽ với Hội bảo vệ và cải thiện cuộc sống, hỗ trợ giới thiệu việc làm hoặc đào tạo nghề cho các đối tượng đang nhận sự bảo hộ.
Điều 32:
Để xúc tiến việc làm trong nước, cơ quan chủ quản cần xây dựng dự toán năm, chấp hành các biện pháp được quy định tại Luật này theo quyền hạn của mình.
Uỷ ban Lao động căn cứ tình hình tài chính thực tế của chính quyền huyện (thị xã, thành phố), thành phố trực thuộc trung ương để tiến hành trợ giúp.
Điều 33:
Khi định sa thải lao động, chủ sử dụng trong vòng 10 ngày trước khi người lao động thôi việc, phải lập danh sách, trong đó có họ tên lao động, giới tính, tuổi, địa chỉ, điện thoại, công việc đang đảm nhiệm, lý do sa thải, có cần bồi dưỡng nghề nghiệp không… thông báo cho chính quyền và đơn vị dịch vụ việc làm nhà nước tại địa phương. Nếu lý do sa thải do thiên tai, chính biến hoặc do các nguyên nhân bất khả kháng, thì lập danh sách như trên trong vòng 3 ngày kể từ ngày người lao động buộc thôi việc.
Điều 33.1:
Uỷ ban Lao động cần uỷ nhiệm cho đơn vị dịch vụ việc làm hoặc đơn vị đào tạo nghề trực thuộc, giao cho chính quyền huyện (thị xã, thành phố), thành phố trực thuộc trung ương hoặc uỷ thác cho các tổ chức, đoàn thể liên quan thực hiện dịch vụ việc làm và thúc đẩy việc quản lý việc làm được quy định trong Luật này.
Chương IV: Dịch vụ việc làm tư nhân
Điều 34:
Các Đơn vị dịch vụ việc làm tư nhân và các chi nhánh của Đơn vị xin cấp phép thành lập tại cơ quan chủ quản, sau khi được cấp phép sẽ bắt đầu được thực hiện nghiệp vụ dịch vụ việc làm; giấy phép được cấp có thời hạn.
Chưa được cấp phép, không được thực hiện nghiệp vụ dịch vụ việc làm. Nhưng đối với các trường, các đơn vị đào tạo nghề thành lập theo quy định, hoặc đào tạo, thực hiện dịch vụ việc làm theo sự uỷ thác của cơ quan chính phủ, thực hiện dịch vụ việc làm miễn phí cho học sinh đã tốt nghiệp, học viên đã qua đào tạo hoặc cho người tìm việc thì không thuộc phạm vi quy định của Điều này.
Điều kiện cấp phép thành lập, thời gian cấp phép, rút giấy phép, đổi giấy phép và các quy định về quản lý khác đối với đơn vị dịch vụ việc làm tư nhân và các chi nhánh của đơn vị nêu trên do cơ quan chủ quản quy định.
Điều 35:
Đơn vị dịch vụ việc làm tư nhân thực hiện các nghiệp vụ dịch vụ việc làm dưới đây:
1/ Giới thiệu nghề hoặc môi giới nhân lực.
2/ Nhận uỷ nhiệm tuyển mộ lao động.
3/ Tư vấn nghề nghiệp hoặc trắc nghiệm tâm lý nghề nghiệp phục vụ kế hoạch phát triển hỗ trợ ổn định đời sống nhân dân.
4/ Thực hiện các nội dung dịch vụ việc làm do Uỷ ban Lao động chỉ định khác.
Các đơn vị dịch vụ việc làm tư nhân thực hiện các nghiệp vụ dịch vụ việc làm nêu trên được phép thu phí; các khoản phí được thu và mức thu do Uỷ ban Lao động quy định.
Điều 36:
Đơn vị dịch vụ việc làm tư nhân cần có một số nhân viên nghiệp vụ dịch vụ việc làm đáp ứng tiêu chuẩn và số lượng theo quy định.
Tiêu chuẩn và số lượng nhân viên nghiệp vụ nêu trên được quy định trong Thông tư hướng dẫn về quản lý và cấp phép các đơn vị dịch vụ việc làm tư nhân.
Điều 37:
Nhân viên nghiệp vụ dịch vụ việc làm không được làm những việc dưới đây:
1/ Cho phép người khác sử dụng danh nghĩa của mình để thực hiện nghiệp vụ dịch vụ việc làm.
2/ Vi phạm nghiệp vụ khi thực thi pháp luật.
Điều 38:
Các đơn vị dịch vụ việc làm tư nhân khi thực hiện các nghiệp vụ môi giới dưới đây cần tổ chức thực hiện với tư cách một công ty. Các tổ chức, đoàn thể phi doanh lợi do Uỷ ban Lao động thành lập, hoặc được Uỷ ban Lao động cấp phép thành lập, chỉ định hoặc uỷ nhiệm thì không thuộc phạm vi quy định của Điều này:
1/ Môi giới người nước ngoài tới Đài Loan làm việc.
2/ Môi giới cư dân Hồng Kông, Ma Cao, Trung Quốc đại lục tới Đài Loan làm việc.
3/ Môi giới người trong nước đi làm việc ở các khu vực ngoài lãnh thổ Đài Loan.
Điều 39:
Đơn vị dịch vụ việc làm cần sắp xếp và bảo quản hồ sơ theo quy định, khi cơ quan chủ quản kiểm tra, không được phép né tránh, ngăn cản hay từ chối.
Điều 40:
Đơn vị dịch vụ việc làm tư nhân và các nhân viên thực hiện nghiệp vụ dịch vụ việc làm không được làm những việc dưới đây:
1/ Thực hiện nghiệp vụ môi giới mà chưa ký kết hợp đồng với chủ sử dụng hoặc người tìm việc theo quy định.
2/ Thực hiện việc quảng cáo hoặc công bố thông tin sai sự thực.
3/ Thu giữ chứng minh nhân dân, thẻ công tác hoặc các giấy tờ khác của người tìm việc trái với nguyện vọng của họ.
4/ Thu giữ tài sản hoặc thu tiền đặt cọc giới thiệu việc làm.
5/ Yêu cầu, giao ước hoặc thu nhận chi phí ngoài tiêu chuẩn quy định, hoặc các lợi ích bất chính khác.
6/ Yêu cầu, giao ước hoặc nhận những lợi ích bất chính.
7/ Môi giới người tìm việc làm các công việc vi phạm trật tự công cộng hoặc vi phạm phong tục tập quán.
8/ Khi nhận uỷ nhiệm làm các công việc như xin phép thuê, tuyển mộ, tiếp nhận và quản lý lao động nước ngoài, cung cấp tư liệu hoặc giấy chứng nhận sức khoẻ sai sự thực.
9/ Khi thực hiện nghiệp vụ dịch vụ việc làm có các hành vi đe doạ, lừa đảo, xâm phạm hoặc bội tín.
10/ Thu giữ giấy phép hoặc các giấy tờ khác trái với nguyện vọng của chủ sử dụng.
11/ Báo cáo sai quy định hoặc không trung thực theo các biểu báo cáo quy định của cơ quan chủ quản.
12/ Không đổi đăng ký, báo cáo dừng kinh doanh hoặc sửa đổi, bổ sung giấy phép theo quy định.
13/ Không niêm yết công khai giấy phép đơn vị dịch vụ việc làm tư nhân, các nội dung thu phí và mức tiền, chứng nhận nhân viên nghiệp vụ dịch vụ việc làm theo quy định.
14/ Bị cơ quan chủ quản xử phạt tạm dừng kinh doanh, chưa hết thời hạn tạm dừng đã tự động kinh doanh trở lại.
15/ Khi thực hiện nghiệp vụ dịch vụ việc làm, chưa làm tròn trách nhiệm, dẫn đến việc chủ sử dụng vi phạm quy định của Luật này hoặc các quy định được ban hành từ luật này.
Điều 41:
Người nhận uỷ thác đăng tải hoặc tuyên truyền quảng cáo tìm người, kể từ ngày quảng cáo, phải bảo lưu tên, địa chỉ, điện thoại, số chứng minh nhân dân, hoặc số giấy phép đăng ký kinh doanh trong thời gian 2 tháng, khi cơ quan chủ quản kiểm tra, không được né tránh, cản trở hoặc từ chối.
Chương V: Thuê và quản lý lao động nước ngoài
Điều 42:
Để bảo đảm quyền làm việc của công dân trong nước, việc thuê người nước ngoài làm việc không được gây cản trở đến cơ hội việc làm của công dân trong nước, các điều kiện lao động, sự phát triển kinh tế quốc dân và ổn định xã hội.
Điều 43:
Ngoài Luật này có những quy định khác ra, người nước ngoài chưa được chủ sử dụng xin phép thì chưa được tới Đài Loan làm việc.
Điều 44:
Không được phép lưu giữ người nước ngoài làm việc bất hợp pháp.
Điều 45:
Không được phép môi giới người nước ngoài làm việc cho người khác một cách bất hợp pháp.
Điều 46:
Ngoài những điều Luật này có quy định riêng ra, chủ sử dụng thuê người nước ngoài làm việc tại Đài Loan chỉ được thuê làm trong phạm vi các công việc dưới đây:
1/ Công việc chuyên môn hoặc kỹ thuật.
2/ Hoa kiều hoặc người nước ngoài được chính phủ cho phép đầu tư hoặc thành lập đơn vị sự nghiệp.
3/ Giáo viên các trường sau:
3.1/ Giáo viên các trường cao đẳng trở lên thuộc công lập hoặc tư thục, hoặc các trường dành cho ngoại kiều.
3.2/ Giáo viên dạy ngoại ngữ đủ điều kiện của các trường trung cấp cao cấp trở xuống thuộc công lập hoặc tư thục.
3.3/ Giáo viên chuyên khoa Ban song ngữ các trường trung cấp cao cấp thực nghiệm hoặc các trường song ngữ công lập hoặc tư thục.
4/ Giáo viên ngoại văn chuyên nhiệm của các lớp học thêm ngắn hạn được thành lập theo Luật giáo dục bồi dưỡng.
5/ Huấn luyện viên và vận động viên.
6/ Làm các công việc về tôn giáo, nghệ thuật và diễn viên.
7/ Thuyền viên làm việc trên các tàu thương mại, tàu chuyên dụng và các tàu được Bộ giao thông vận tải cấp phép đặc biệt khác.
8/ Làm công việc đánh bắt cá đại dương.
9/ Giúp việc gia đình
10/ Công việc đáp ứng nhu cầu các công trình xây dựng trọng yếu của nhà nước và nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, được Uỷ ban Lao động chỉ định cho phép.
11/ Những công việc có tính chất đặc thù khác mà trong nước đang thiếu nhân lực, những công việc mà chuyên môn thực sự cần thiết phải thuê người nước ngoài, được Uỷ ban Lao động thẩm định.
Tư cách làm việc và tiêu chuẩn thẩm tra đối với người nước ngoài làm công việc nêu trên do Uỷ ban Lao động bàn bạc với Cơ quan chủ quản sự nghiệp trung ương quy định.
Chủ sử dụng thuê lao động nước ngoài quy định từ khoản 8 đến khoản 10 của Điều này cần ký kết hợp đồng xác định thời hạn; nếu không xác định thời hạn thì lấy thời hạn giấy phép thuê là thời hạn hợp đồng. Khi gia hạn hợp đồng thực hiện tương tự.
Điều 47:
Chủ sử dụng trước khi thuê người nước ngoài làm các công việc từ khoản 8 đến khoản 11, Điều 46 cần làm các thủ tục tuyển lao động trong nước với các điều kiện lao động hợp lý, sau khi thông báo tuyển mộ mà không đạt kết quả, thì mới được xin tuyển bổ sung số lao động còn thiếu này, và kể từ thời gian chiêu mộ, phải thông báo toàn bộ nội dung tuyển mộ cho công đoàn đơn vị sự nghiệp hoặc người lao động đó, đồng thời công khai thông tin này tại nơi người nước ngoài dự định sẽ làm việc.
Chủ sử dụng trong thời gian tuyển mộ lao động trong nước, nếu không có lý do đặc biệt thì không được từ chối tiếp nhận người tìm việc do Đơn vị dịch vụ việc làm nhà nước giới thiệu.
Điều 48:
Chủ sử dụng thuê người nước ngoài làm việc cần nộp đầy đủ các giấy tờ cần thiết lên Uỷ ban Lao động để xin cấp phép. Những người được chính quyền các cấp và các đơn vị nghiên cứu trực thuộc mời làm cố vấn, nghiên cứu sinh, hoặc người nước ngoài kết hôn với người có quốc tịch Đài Loan, đã được cấp thẻ cư trú thì không phải xin phép.
Quy định về việc xin cấp giấy phép, rút giấy phép và các biện pháp quản lý thuê lao động có liên quan khác do Uỷ ban Lao động cùng Cơ quan chủ quản đơn vị sự nghiệp quy định.
Quy định về việc khám sức khoẻ trước và sau khi nhập cảnh đối với người nước ngoài nêu trên do Bệnh viện được Cơ quan chủ quản y tế trung ương chỉ định quy định; điều kiện để được chỉ định, chấm dứt chỉ định và các quy định quản lý khác do Cơ quan chủ quản y tế trung ương quy định.
Người nước ngoài do kiểm tra sức khoẻ không đạt yêu cầu, bị buộc phải xuất cảnh thì chủ sử dụng cần nhanh chóng đôn đốc người đó xuất cảnh.
Uỷ ban Lao động cần có quy định về quốc tịch và số lượng đối với người nước ngoài làm các công việc quy định từ khoản 8 đến khoản 11, Điều 46.
Điều 49:
Cơ quan sứ quán, cơ quan lãnh sự nước ngoài tại Đài Loan, các tổ chức nước ngoài tại Đài Loan, các tổ chức quốc tế đóng tại Đài Loan và các nhân viên của các cơ quan này nếu thuê người nước ngoài làm việc phải xin phép Bộ Ngoại giao; việc xin cấp phép, rút giấy phép và các quy định quản lý có liên quan khác do Bộ Ngoại giao bàn bạc với Uỷ ban Lao động quy định.
Điều 50:
Chủ sử dụng thuê học sinh làm các công việc dưới đây sẽ không bị hạn chế bởi quy định tại khoản 1 đến khoản 11, Điều 46; thời gian làm việc ngoài thời gian nghỉ hè, nghỉ đông ra, mỗi tuần tối đa 16 tiếng đồng hồ:
1/ Lưu học sinh nước ngoài học tập tại các trường cao đẳng công lập hoặc tư thục.
2/ Học sinh Hoa kiều và học sinh là con cháu của Hoa kiều đang học tập ở các trường trung cấp cao cấp trở lên thuộc công lập hoặc tư thục.
Điều 51:
Chủ sử dụng thuê người nước ngoài làm các công việc dưới đây không bị hạn chế bởi các quy định tại Hạng mục 1 (gồm các khoản từ 1-11) và Hạng mục 3 Điều 46, Điều 47, Điều 52, Hạng mục 3,4 Điều 53, Khoản 5 Điều 57, Khoản 4 Điều 72 và Điều 74, và không phải nộp phí ổn định việc làm theo quy định tại Điều 55:
1/ Người tị nạn đã được cấp thẻ cư trú.
2/ Người được phép làm việc liên tục trên lãnh thổ Đài Loan, cư trú liên tục đủ 5 năm, có phẩm hạnh tốt, có chỗ ở.
3/ Người được phép sống cùng với người có cùng huyết thống trực hệ có quốc tịch Đài Loan.
4/ Người đã được cấp thẻ cư trú vĩnh viễn.
Người nước ngoài nêu tại Khoản 1, 3 và 4 nêu trên không cần chủ sử dụng xin phép, trực tiếp xin phép Uỷ ban Lao động.
Các tổ chức pháp nhân nước ngoài do nhu cầu thực hiện hợp đồng thầu khoán, buôn bán, hợp tác kỹ thuật, cần cử người nước ngoài tới Đài Loan làm các công việc trong phạm vi Khoản 1 hoặc Khoản 2 Điều 46, mà tổ chức này chưa có chi nhánh hay văn phòng đại diện tại Đài Loan thì đơn vị sự nghiệp ký hợp đồng hoặc người đại diện nhận uỷ quyền phải xin phép theo quy định tại văn bản hướng dẫn tại Hạng mục 2 và 3 Điều 48.
Điều 52:
Thời hạn giấy phép của người nước ngoài làm các công việc từ Khoản 1 đến Khoản 7 và Khoản 11 Điều 46 tối đa 2 năm; sau khi mãn hạn, chủ sử dụng có thể xin gia hạn 1 lần với thời gian gia hạn không quá 1 năm.
Thời hạn giấy phép của người nước ngoài làm công việc từ Khoản 8 đến Khoản 10 Điều 46 tối đa là 2 năm, sau khi mãn hạn chủ sử dụng có thể xin gia hạn 1 lần với thời gian gia hạn không quá 1 năm. Trong trường hợp đặc biệt, có thể xin gia hạn tiếp, thời gian gia hạn do Viện hành chính có văn bản quy định. Đối với các công trình trọng đại, thời gian gia hạn tối đa không quá 6 tháng.
Số lượng tiếp nhận hàng năm căn cứ theo Chỉ tiêu cảnh báo thuê lao động nước ngoài, Uỷ ban Lao động sẽ mời các cơ quan liên quan, đại diện người lao động, đại diện chủ sử dụng và các học giả để bàn bạc quyết định.
Người nước ngoài được thuê làm việc trong thời gian giấy phép có hiệu lực không vi phạm pháp luật, mà chấm dứt hợp đồng do quan hệ thuê mướn, sau khi thời hạn giấy phép hết phải xuất cảnh, hoặc do khám sức khoẻ không đạt yêu cầu phải về nước chữa trị, tái kiểm tra sức khoẻ đạt yêu cầu, đều được tái nhập cảnh làm việc. Lao động nước ngoài làm các công việc quy định từ Khoản 8 đến Khoản 10 Điều 46, cần phải xuất cảnh 1 ngày rồi mới được tái nhập cảnh làm việc, thời gian làm việc tại Đài Loan tổng cộng không vượt quá 6 năm.
Điều 53:
Lao động nước ngoài trong thời gian giấy phép có hiệu lực có nhu cầu chuyển đổi chủ sử dụng hoặc đã làm thuê cho từ 2 chủ sử dụng trở lên thì chủ sử dụng mới sẽ xin phép. Khi xin chuyển đổi chủ sử dụng, chủ sử dụng mới cần gửi kèm theo giấy chứng nhận từ chức của lao động nước ngoài.
Người nước ngoài quy định tại Khoản 1, 3 và 4, Hạng mục 1, Điều 51 đã được cơ quan chủ quản cho phép không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định trên.
Người nước ngoài làm các công việc quy định từ Khoản 1 đến Khoản 7, Hạng mục 1, Điều 46 nếu chuyển đổi chủ sử dụng hoặc chuyển đổi công việc thì không được làm các công việc quy định từ Khoản 8 đến Khoản 11, Điều 46.
Người nước ngoài làm các công việc quy định từ Khoản 8 đến Khoản 11, Điều 46 không được phép chuyển đổi chủ sử dụng hoặc chuyển đổi công việc. Các trường hợp quy định tại các Khoản của Hạng mục 1, Điều 59, đã được cơ quan chủ quản cho phép thì không thuộc phạm vi hạn chế này.
Người nước ngoài ở Hạng mục trên sau khi được phép chuyển đổi chủ sử dụng hoặc chuyển đổi công việc thì thời gian được thuê làm việc cần phải tính gộp với thời gian đã làm việc, và thực hiện theo quy định tại Điều 52.
Điều 54:
Chủ sử dụng thuê người nước ngoài làm các công việc từ Khoản 8 đến Khoản 11, Hạng mục 1, Điều 46 có một trong các sự việc dưới đây sẽ không được Uỷ ban Lao động cấp Giấy phép tuyển mộ, Giấy phép thuê hoặc gia hạn Giấy phép thuê; nếu đã được cấp Giấy phép tuyển mộ sẽ không được tiếp tục làm thủ tục tiếp nhận vào làm việc:
1/ Đang có tranh chấp chủ thợ hoặc đình công theo quy định tại Điều 10 tại nơi mà người nước ngoài dự định sẽ đến làm việc.
2/ Khi tuyển mộ lao động trong nước, từ chối thuê nhân viên do Đơn vị dịch vụ việc làm nhà nước giới thiệu hoặc người tự tới tìm việc mà không có lý do chính đáng.
3/ Thuê người nước ngoài có hành tung không rõ ràng hoặc che dấu người nước ngoài với số lượng hoặc tỉ lệ nhất định.
4/ Đã từng thuê người nước ngoài làm việc bất hợp pháp.
5/ Đã từng sa thải lao động trong nước bất hợp pháp.
6/ Bị cơ quan chủ quản địa phương kiểm tra, phát hiện và chứng thực việc do thuê lao động nước ngoài dẫn đến giảm các điều kiện lao động của lao động trong nước.
7/ Người nước ngoài được thuê làm việc đã gây phương hại đến an ninh trật tự xã hội, đã bị xử lý theo Luật bảo vệ trật tự xã hội.
8/ Đã từng thu giữ hoặc chiếm dụng hộ chiếu, thẻ cư trú hoặc tài sản của lao động nước ngoài một cách bất hợp pháp.
9/ Không nộp phí thu dung và phí giao thông cần thiết chi trả cho việc trục xuất lao động nước ngoài theo đúng thời gian hạn định.
10/ Khi uỷ nhiệm tuyển mộ lao động nước ngoài đã yêu cầu, giao kèo hoặc thu lợi bất chính từ Đơn vị dịch vụ việc làm tư nhân.
11/ Khi làm các thủ tục xin cấp giấy phép, tuyển mộ, tiếp nhận lao động hoặc quản lý đã cung cấp các tài liệu không đúng thực tế.
12/ Đăng quảng cáo tìm người không đúng thực tế.
13/ Tài liệu được yêu cầu bổ sung cho phù hợp với quy định trong thời gian hạn định, nhưng không bổ sung đúng hạn.
14/ Vi phạm Luật này hoặc các văn bản hướng dẫn Hạng mục 2, Hạng mục 3, Điều 48, Điều 49.
15/ Những người vi phạm Luật bảo hộ lao động với mức độ nặng khác.
Các sự việc quy định từ Khoản 3 đến Khoản 15 nêu trên giới hạn thời gian phát sinh trong vòng 2 năm trước ngày xin cấp phép.
Số lượng người, tỉ lệ nêu ở Khoản 3 Hạng mục 1 trên do Uỷ ban Lao động công bố.
Điều 55:
Chủ sử dụng thuê người nước ngoài làm các công việc quy định từ Khoản 8 đến Khoản 10, Hạng mục 1, Điều 46 phải nộp phí ổn định việc làm cho Quỹ ổn định việc làm do Uỷ ban Lao động thành lập. Quỹ này dùng để tăng cường công tác xúc tiến việc làm trong nước, nâng cao phúc lợi lao động và xử lý các vụ việc liên quan đến quản lý thuê lao động nước ngoài.
Khi người nước ngoài được thuê làm việc nêu ở Hạng mục trên bỏ việc và mất liên lạc liên tục 3 ngày hoặc quan hệ thuê mướn chấm dứt, thì chủ sử dụng phải thông báo sự việc trên theo quy định của pháp luật để huỷ giấy phép thuê và sẽ không phải tiếp tục nộp phí ổn định việc làm.
Chủ sử dụng không nộp phí ổn định việc làm đúng hạn theo quy định, được gia hạn thêm 30 ngày để thực hiện, quá thời gian gia hạn vẫn chưa nộp thì kể từ ngày bắt đầu được gia hạn cho đến trước ngày thực nộp một ngày, cứ mỗi ngày trễ nộp phải nộp thêm 1% số tiền phí ổn định việc làm phải nộp. Nhưng tiền phạt này tối đa không vượt quá tổng số tiền phí ổn định việc làm phải nộp.
30 ngày sau khi thời hạn gia hạn nộp phí đã hết mà chủ sử dụng vẫn chưa nộp thì Uỷ ban Lao động sẽ thực hiện hình thức cưỡng chế thi hành đối với số phí ổn định việc làm và phí phạt nộp trễ chưa nộp, đồng thời rút một phần hoặc toàn bộ giấy phép thuê lao động của chủ sử dụng đó.
Mức phí, việc thu chi, bảo quản và sử dụng Quỹ ổn định việc làm do Uỷ ban Lao động phối hợp với các cơ quan hữu quan quy định.
Điều 56:
Lao động nước ngoài bỏ việc và mất liên lạc liên tục 3 ngày hoặc quan hệ thuê mướn chấm dứt thì chủ sử dụng trong vòng 3 ngày phải thông báo sự việc bằng văn bản cho cơ quan chủ quản và cơ quan cảnh sát địa phương.
Điều 57:
Chủ sử dụng thuê lao động nước ngoài không được có những hành vi dưới đây:
1/ Thuê lao động nước ngoài khi chưa được cấp phép, giấy phép hết hiệu lực hoặc lao động nước ngoài do người khác xin thuê.
2/ Thuê lao động nước ngoài để làm việc cho người khác.
3/ Sai phái lao động nước ngoài làm công việc không đúng trong giấy phép.
4/ Chưa xin phép đã thay đổi địa điểm làm việc của lao động nước ngoài làm công việc quy định từ Khoản 8 đến Khoản 10, Điều 46.
5/ Không xếp sắp để lao động nước ngoài đi khám sức khoẻ theo quy định, hoặc không thông báo kết quả khám sức khoẻ cho cơ quan chủ quản y tế theo quy định.
6/ Do thuê lao động nước ngoài dẫn đến chấm dứt hợp đồng hoặc sa thải lao động trong nước.
7/ Sử dụng biện pháp cưỡng ép đe dọa hoặc các hình thức phi pháp khác để ép lao động nước ngoài làm việc.
8/ Thu giữ hoặc chiếm dụng hộ chiếu, thẻ cư trú hoặc tài sản của lao động nước ngoài một cách bất hợp pháp.
9/ Vi phạm Luật này hoặc các văn bản hướng dẫn Luật này.
Điều 58:
Lao động nước ngoài trong thời gian Giấy phép thuê có hiệu lực xuất cảnh hoặc chết không do trách nhiệm của chủ sử dụng thì chủ sử dụng được phép xin tuyển mộ bổ sung tại Uỷ ban Lao động.
Thời hạn giấy phép bổ sung là thời gian còn lại trên giấy phép cũ; thời hạn giấy phép cũ còn lại không đủ 6 tháng thì không được xin cấp giấy phép bổ sung.
Điều 59:
Lao động nước ngoài làm các công việc quy định từ Khoản 8 đến Khoản 11, Điều 46, nếu vì những nguyên nhân dưới đây, sau khi được cơ quan chủ quản cho phép có thể được chuyển đổi chủ sử dụng hoặc chuyển đổi công việc:
1/ Chủ sử dụng hoặc người được chăm sóc chết hoặc di cư.
2/ Tàu thuyền bị thu giữ, bị đắm hoặc phải tu sửa mà không thể tiếp tục làm việc.
3/ Chủ sử dụng đóng cửa nhà máy, tạm ngưng sản xuất hoặc không trả lương lao động theo đúng hợp đồng lao động, đã chấm dứt hợp đồng lao động.
4/ Những lý do khác không thuộc trách nhiệm của lao động nước ngoài.
Trình tự chuyển đổi chủ sử dụng hay chuyển đổi công việc sẽ do Uỷ ban Lao động quy định.
Điều 60:
Lao động nước ngoài bị cơ quan cảnh sát buộc xuất cảnh theo quy định thì chi phí giao thông và chi phí cần thiết trong thời gian thu dung lao động nước ngoài do chủ sử dụng chi trả.
Chi phí nêu tại Hạng mục trên do Quỹ ổn định việc làm tạm chi trước, sau khi đã tạm chi, Cơ quan chủ quản Quỹ ổn định việc làm thông báo cho sử dụng thời hạn phải hoàn trả, nếu hết hạn hoàn trả vẫn chưa hoàn trả sẽ bị cưỡng chế thi hành.
Tiền đặt cọc mà chủ sử dụng nộp theo quy định tại Hạng mục 3, Điều 55 trước khi Luật này sửa đổi thì sau khi sửa đổi, đợi khi lao động nước ngoài hết hạn giấy phép hoặc bị chấm dứt giấy phép thuê, xuất cảnh hoặc được chủ sử dụng mới tiếp nhận, thì mang đầy đủ giấy tờ liên quan tới Uỷ ban Lao động để xin hoàn trả lại.
Điều 61:
Lao động nước ngoài chết trong thời gian làm việc thì chủ sử dụng phải có trách nhiệm giải quyết việc tang ma cho người lao động.
Điều 62:
Cơ quan chủ quản, cơ quan cảnh sát hoặc cơ quan biên phòng trên biển cần cử nhân viên mang đầy đủ giấy tờ chứng minh tới nơi làm việc của lao động nước ngoài hoặc những nơi khả nghi có người nước ngoài làm việc bất hợp pháp để kiểm tra.
Chủ sử dụng không được né tránh, ngăn cản hoặc từ chối việc kiểm tra nêu trên.
Chương 6: Xử lý vi phạm
Điều 63:
Vi phạm Điều 44 hoặc Khoản 1, Khoản 2, Điều 57 sẽ bị xử phạt từ 150.000-750.000 Đài tệ. Trong vòng năm năm tái phạm sẽ bị phạt tù, lao dịch tối đa 3 năm, hoặc bị xử phạt hoặc cả hai hình thức xử phạt trên với tiền phạt tối đa 1.200.000 Đài tệ.
Ngoài những người đại diện pháp nhân, đại lý của pháp nhân hoặc của công dân tự do, người được thuê hoặc nhân viên nghiệp vụ khác do thực hiện nghiệp vụ mà vi phạm Điều 44 hoặc Khoản 1, Khoản 2, Điều 57 bị xử lý như ở Hạng mục trên ra, thì bản thân pháp nhân hoặc công dân tự do đó cũng bị xử phạt hoặc phạt tiền như Hạng mục nêu trên.
Điều 64:
Vi phạm Điều 45 sẽ bị phạt tiền 100.000 đến 500.000 Đài tệ. Trong vòng 5 năm tái phạm sẽ bị phạt tù, lao dịch tối đa 1 năm, hoặc bị xử phạt hoặc cả hai hình thức xử phạt trên với tiền phạt tối đa 600.000 Đài tệ.
Những người do mưu đồ doanh lợi mà vi phạm Điều 45, sẽ bị xử phạt tù tối đa 3 năm hoặc bị xử phạt hoặc cả hai hình thức xử phạt trên với tiền phạt tối đa 1.200.000 Đài tệ.
Những doanh nghiệp coi việc vi phạm quy định Điều 45 là bình thường sẽ bị phạt tù tới 5 năm, đồng thời bị xử phạt tiền tối đa 1.500.000 Đài tệ.
Ngoài những người đại diện pháp nhân, đại lý của pháp nhân hoặc của công dân tự do, người được thuê hoặc nhân viên nghiệp vụ khác do thực hiện nghiệp vụ mà vi phạm quy định Điều 45, bị xử lý theo quy định tại Hạng mục 3 trên đây ra, thì bản thân pháp nhân hoặc công dân tự do này cũng bị xử phạt hoặc phạt tiền như tại Hạng mục này.
Điều 65:
Vi phạm Hạng mục 1, Khoản 1, 4, 5 của Hạng mục 2, Điều 5, Hạng mục 2 Điều 34, Khoản 2, 7, 8, 9 Điều 40, bị xử phát tiền từ 300.000 đến 1.500.000 Đài tệ.
Chưa xin phép đã thực hiện nghiệp vụ dịch vụ việc làm và vi phạm Khoản 2, 7, 8, 9 Điều 40, bị xử phạt như quy định tại Hạng mục trên.
Điều 66:
Vi phạm Khoản 5, Điều 40, sẽ căn cứ số tiền yêu cầu, giao kèo hoặc đã nhận vượt quá tiêu chuẩn quy định, hoặc số tiền thu lợi bất chính tương đương, phạt tiền gấp từ 10 đến 20 lần.
Chưa xin phép đã thực hiện nghiệp vụ dịch vụ việc làm và vi phạm Khoản 5 Điều 40, bị xử phạt như quy định tại Hạng mục trên.
Điều 67:
Vi phạm Khoản 2, 3 Hạng mục 2, Điều 5, Điều 10, Hạng mục 1 Điều 36, Điều 37, Điều 39, Khoản 1, 3, 4, 6, 10, 11, 12, 13, 14, 15 Điều 40, Khoản 5, 8, 9 Điều 57, hoặc Khoản mục 2, Điều 62, sẽ bị xử phạt 60.000 đến 300.000 Đài tệ.
Chưa xin phép đã thực hiện nghiệp vụ dịch vụ việc làm và vi phạm Khoản 1, 3, 4, 6 hoặc 10 Điều 40, bị xử phạt như quy định tại Hạng mục trên.
Điều 68:
Vi phạm Điều 9, Hạng mục 1 Điều 33, Điều 41, Điều 43, Điều 56, Khoản 3,4 Điều 57, hoặc Điều 61 bị phạt tiền từ 30.000 đến 50.000 Đài tệ.
Vi phạm Khoản 6 Điều 57, căn cứ số lượng lao động bị chấm dứt hợp đồng, sa thải, bị xử phạt 20.000 đến 100.000 Đài tệ/người.
Người nước ngoài vi phạm Điều 43 sẽ bị buộc phải xuất cảnh, không được quay trở lại Đài Loan làm việc.
Người nước ngoài vi phạm Điều 43 hoặc có các sự việc như ở Hạng mục 1, 2 Điều 74 sẽ bị buộc xuất cảnh trong thời gian hạn định, hết thời hạn vẫn chưa xuất cảnh thì cơ quan cảnh sát sẽ cưỡng chế xuất cảnh, trước khi xuất cảnh, cơ quan cảnh sát sẽ thu dung đối tượng này.
Điều 69:
Các đơn vị dịch vụ việc làm tư nhân có những hành vi sau sẽ bị cơ quan chủ quản xử lý tạm dừng hoạt động trong thời gian tối đa 1 năm:
1/ Vi phạm Khoản 4, 5, 6, 8 Điều 40 hoặc Điều 45.
2/ Đã bị phạt tiền 3 lần với cùng 1 lý do, nhưng vẫn chưa cải thiện.
3/ Trong thời gian 1 năm bị xử phạt tiền 4 lần trở lên.
Điều 70:
Đơn vị dịch vụ việc làm tư nhân có các hành vi sau đây sẽ bị cơ quan chủ quản rút giấy phép:
1/ Vi phạm Điều 38, Khoản 2, 7, 9 hoặc 14 Điều 40.
2/ Trong thời gian 1 năm bị xử lý tạm đình chỉ hoạt động 2 lần.
Đơn vị dịch vụ việc làm tư nhân bị rút giấy phép thì trong thời gian 2 năm người phụ trách hay người đại diện của đơn vị đó nếu xin cấp lại giấy phép thành lập đơn vị dịch vụ việc làm mới sẽ không được cơ quan chủ quản thụ lý hồ sơ.
Điều 71:
Nhân viên chuyên trách dịch vụ việc làm vi phạm Điều 37 sẽ bị cơ quan chủ quản huỷ chứng nhận nhân viên chuyên môn dịch vụ việc làm.
Điều 72:
Chủ sử dụng có những hành vi dưới đây sẽ bị huỷ giấy phép tuyển mộ, một phần hoặc toàn bộ Giấy phép thuê.
1/ Có một trong những hành vi nêu tại các khoản của Hạng mục 1, Điều 54.
2/ Có một trong những hành vi nêu tại các Khoản 1, 2, 6, 7, 8, 9 của Điều 57.
3/ Có một trong những hành vi quy định tại Khoản 3, 4 Điều 57, đã cho thời gian để cải thiện, nhưng hết hạn thời gian vẫn chưa cải thiện.
4/ Có các sự việc nêu tại Khoản 5 Điều 57, đã được cơ quan chủ quản y tế thông báo thực hiện nhưng vẫn không thực hiện.
5/ Vi phạm quy định tại Điều 60.
Điều 73:
Lao động nước ngoài có các sự việc dưới đây sẽ bị huỷ bỏ giấy phép thuê:
1/ Làm việc cho chủ sử dụng không đứng tên trong giấy phép.
2/ Không tuân theo sự sắp đặt của chủ sử dụng tự ý làm công việc ngoài giấy phép quy định.
3/ Bỏ việc 3 ngày liên tục không có liên hệ hoặc quan hệ thuê mướn chấm dứt.
4/ Từ chối khám sức khoẻ, cung cấp giấy khám sức khoẻ không đúng sự thực, kiểm tra sức khoẻ không đạt yêu cầu, tình trạng sức khoẻ không đáp ứng được công việc hoặc mắc các bệnh mà cơ quan chủ quản y tế xếp vào loại bệnh truyền nhiễm.
5/ Vi phạm các văn bản hướng dẫn của các Hạng mục 2, 3 Điều 48, Điều 49, với mức độ nghiêm trọng.
6/ Vi phạm pháp luật Đài Loan với mức độ nghiêm trọng.
7/ Từ chối cung cấp các tài liệu phải cung cấp theo quy định hoặc cung cấp tài liệu không trung thực.
Điều 74:
Lao động nước ngoài hết hạn giấy phép thuê hoặc bị huỷ giấy phép thuê theo quy định của Điều trên, trừ những người Luật này có quy định riêng ra, đều phải lập tức xuất cảnh, không được tiếp tục làm việc ở Đài Loan.
Lao động nước ngoài bỏ việc 3 ngày liên tiếp không có liên hệ, trước khi huỷ giấy phép thuê, cơ quan chủ quản nghiệp vụ xuất nhập cảnh phải ra lệnh yêu cầu xuất cảnh.
Những trường hợp dưới đây không thuộc phạm vi quy định phải xuất cảnh của Hạng mục 1 Điều này:
1/ Lưu học sinh nước ngoài, học sinh Hoa kiều hoặc học sinh con em Hoa kiều được chủ thuê làm theo quy định tại Luật này, hết hạn Giấy phép thuê hoặc một trong những trường hợp nêu tại Khoản 1 đến Khoản 5 của Điều trước.
2/ Lao động nước ngoài trong thời gian làm việc không tiếp nhận việc khám sức khoẻ định kỳ theo quy định hoặc kiểm tra sức khoẻ không đạt yêu cầu, được Cơ quan chủ quản y tế chấp nhận cho kiểm tra lại, và khi kiểm tra lại thì đạt yêu cầu.
Điều 75:
Việc xử phạt tiền trong luật này do chính quyền huyện (thị xã, thành phố), thành phố trực thuộc trung ương tiến hành xử phạt.
Điều 76:
Việc xử phạt tiền trong Luật này, sau thời gian quy định phải nộp phạt mà chưa nộp sẽ chuyển sang cưỡng chế thi hành.
Chương 7: Điều khoản thi hành
Điều 77:
Lao động nước ngoài đã xin phép và được phép làm việc ở Đài Loan trước khi Luật (sửa đổi) này được thi hành thì sau khi Luật này được thi hành, nếu thời gian làm việc được chưa hết, không phải xin lại giấy phép theo quy định của Luật này.
Điều 78:
Người nhà của nhân viên các đại sứ quán nước ngoài tại Đài Loan, các cơ quan đại diện của nước ngoài tại Đài Loan và các tổ chức quốc tế tại Đài Loan hoặc những người nước ngoài đã được Bộ ngoại giao thông báo cho Uỷ ban Lao động, nếu có nhu cầu làm việc tại Đài Loan thì không phải xin phép theo quy định tại Luật này.
Điều 79:
Những người không quốc tịch, những công dân Đài Loan có quốc tịch nước ngoài mà chưa nhập quốc tịch trong nước nếu được thuê làm việc sẽ tiến hành các thủ tục theo quy định liên quan đến người nước ngoài trong Luật này.
Điều 80:
Công dân khu vực Đại lục làm việc trên lãnh thổ Đài Loan thì việc thuê và quản lý ngoài Luật này có quy định riêng ra, áp dụng quy định liên quan tại Chương 5 của Luật này.
Điều 81:
Cơ quan chủ quản thụ lý hồ sơ xin phép thẩm định cấp phép được thu phí thẩm định và phí giấy phép; mức phí do Uỷ ban Lao động quy định.
Điều 82:
Việc hướng dẫn chi tiết thi hành Luật này do Uỷ ban Lao động quy định.
Điều 83:
Ngoài Hạng mục 1, 2 3 của Điều 48 do Viện Hành chính ra văn bản hướng dẫn ra, Luật này có hiệu lực kể từ ngày công bố.