Văn hóa Nhật Bản là sự kết hợp văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại
Nhật Bản là một dân tộc có ý thức về thế giới tinh thần, họ đã biết khéo léo khai thác những mặt tích cực của tôn giáo để đóng góp vào sự phát triển của xã hội. Tại Nhật Bản tồn tại nhiều tôn giáo: đạo Shinto (Thần đạo), đạo Phật, đạo Thiên chúa và nhiều tôn giáo khác. Thần đạo và Phật giáo là hai tôn giáo phổ biến tại Nhật Bản, ảnh hưởng nhiều đến việc hình thành tính cách con người nơi đây. Thần đạo mài sắc ý chí và đem lại sức mạnh tinh thần, giúp con người vượt qua mọi khó khăn để vươn lên trong cuộc sống. Còn Phật giáo giúp vào sự rèn luyện thân thể, giúp con người loại bỏ và hạn chế dục vọng, giữ gìn sự bền bỉ, kiên trì cho những mục đích của mình.
Việc coi trọng thế giới tâm linh của người Nhật không đồng nghĩa với mê tín, dị đoan, mà ngược lại góp phần xác định sức mạnh và quyền lực của những giá trị tinh thần và tâm linh để phục vụ cho cuộc sống.
Văn hóa Nhật Bản qua hàng ngàn năm đã tạo nên những nghi lễ, những tập quán tốt đẹp trong văn hóa ứng xử, trang phục và cách ăn uống của người dân nước này.
+ Văn hoá ứng xử: Người Nhật rất mến khách nhưng không quá vồ vập, tay bắt mặt mừng mà vẫn giữ đúng nghi lễ. Từ người dân trong đời sống hàng ngày đến vị nguyên thủ quốc gia trong cuộc họp lớn của nhà nước vẫn cúi mình đáp lễ như phong tục tập quán không thể khác đi của dân tộc.
+ Cách ăn uống: Thưởng thức Trà đạo là một nét đẹp không thể không nhắc đến trong văn hoá Nhật Bản, được phát triển từ khoảng cuối thế kỷ XII. Họ coi ly trà đạo như một ốc đảo trong tâm hồn, để phát hiện những giá trị tinh thần cần có của bản thân. Nhắc đến trà đạo là nhắc đến bốn chữ Hoà – Kính – Thanh – Tịch, với ý nghĩa: Hoà Bình; Kính trọng người bên trên, yêu thương bạn bè, con cháu; Thanh tịnh, thanh khiết; còn Tịch có nghĩa là An nhàn – đây cũng là giới hạn mỹ học cao nhất của Trà đạo Nhật Bản.
+ Trang phục: Y phục thời trang cũng là một nét đặc trưng văn hóa của người Nhật. Trang phục truyền thông của Nhật Bản là Kimono: một chiếc áo choàng được giữ cố định bằng một vành khăn rộng cuốn chặt vào người cùng với một số dây đai và dây buộc, ống tay áo dài và rộng. Kimono của nữ giới thường có các hoạt tiết hoa lá và các biểu tượng thiên nhiên khác, phản ánh tình yêu đối với thiên nhiên của người Nhật Bản; thêm vào đó là kiểu búi tóc cầu kỳ, uốn lượn tạo nên nét thẩm mỹ vô cùng đoan trang và duyên dáng của người phụ nữ nhật Bản. Còn Kimono của nam giới thì có vành khăn đơn giản và hẹp hơn. Ngày nay, những trang phục truyền thống này thường chỉ được dùng trong các dịp lễ tết, cưới hỏi hay các buổi lễ trà đạo.
Trong quá trình phát triển đất nước, văn hóa Nhật không hề bảo thủ đóng kín mà luôn tiếp nhận một cách hài hoà những cái mới của nhân loại, đồng thời vẫn giữ gìn được bản sắc dân tộc.
Văn hoá Nhật Bản là sự kết hợp cân đối giữa văn hoá truyền thống và văn hoá hiện đại, văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần. Có thể nói không có dân tộc nào nhạy bén với cái mới bằng người Nhật. Họ không ngừng theo dõi những biến đổi của thế giới, đánh giá, cân nhắc những trào lưu đang thắng thế, những trào lưu có lợi cho sự phát triển đất nước để nghiên cứu, học hỏi và bắt kịp trào lưu đó, không để mất thời cơ.
Hiếu học là một truyền thống tốt đẹp của nhân dân Nhật Bản qua nhiều thời kỳ lịch sử. Người Nhật được đánh giá chủ yếu dựa vào học vấn chứ không phải địa vỉ gia đình, địa vị xã hội và thu nhập. Họ luôn phấn đấu học hỏi để mở mang kiến thức, hoàn thiện mình hơn, đóng góp cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Chính phủ Nhật Bản luôn coi trọng việc đầu tư cho giáo dục, nhằm đào tạo lực lượng lao động có hiệu quả cao, đưa đất nước tiến tới hiện đại hóa, toàn cầu hoá, sánh vai với các cường quốc khác trên thế giới.
Người dân Nhật Bản có ý thức khá mới mẻ và đúng đắn về công bằng xã hội. Họ tin rằng họ đang sống trong một xã hội công bằng, trong đó nguồn ngốc xuất thân, tài sản thừa kế không quan trọng bằng sự cố gắng, nỗ lực của bản thân.
Ở Nhật, việc giáo dục gia đình cũng được đặc biệt chú ý. Họ luôn có ý thức xây đựng đời sống gia đình, coi đó là tổ ấm giúp quên đi những bất bình, lo toan và bực dọc với xã hội. Những người trong gia đình gắn bó với nhau về huyết thống và quan hệ tình cảm. Người Nhật cũng vận dụng quan hệ gia đình để quản lý nhân viên trong các công ty, nhà máy, xí nghiệp. Chính những yếu tố đó đã tạo nên tinh thần đoàn kết và nhân văn cao cả của người dân Nhật Bản.